Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'
Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'
Cách mạng màu (color revolution) và Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring) là những phong trào phản kháng phi bạo lực của quần chúng nhằm lật đổ chế độ độc tài hoặc tham nhũng, đồng thời đòi hỏi dân chủ, dân quyền, cải cách chính trị.
Cách mạng màu chủ yếu xảy ra ở các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản (như Ukraine, Georgia, Kyrgyzstan), trong khi Mùa xuân Ả Rập tập trung ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (như Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria).
Câu hỏi đặt ra là tại sao phong trào phản kháng của quần chúng lại xảy ra ở những khu vực này?
Đăng ký ngay để đọc toàn văn bài viết này và truy cập tất cả các bài dành cho thành viên trả phí ($2/tháng cho gói Member và $5/tháng cho gói Supporter).
Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright và ca ngợi sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ sau khi trường đại học này bị nhắm tới bằng những thông tin “gây kích động” khi bị cho là mầm mống của “cách mạng màu.”
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của Đại học Fulbright hôm 26/8, nói rằng trường này là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, theo Báo Chính phủ.
Nhận định của người phát ngôn được đưa ra không lâu sau khi Đại học Fulbright Việt Nam phản bác về “thông tin sai lệch gần đây trên mạng xã hội” về trường.
Một thông báo của trường đại học, có trụ sở ở TPHCM, đưa ra hôm 14/8 nói rằng “một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm” trong thời gian gần đây. Trường cũng cho biết rằng “các kênh truyền thông chính thức của Fulbright cũng đã bị nhắm đến.”
Trước đó, một video phóng sự của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN), hiện đã bị gỡ bỏ nhưng được Thoibao.de lưu lại, cho rằng có “điểm bất thường” trong buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Fulbright vì “không xuất hiện hình ảnh quốc kỳ của Việt Nam” và rằng sự việc “nhận được nhiều bình luận bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này.”
Phóng sự, đưa ra hôm 21/8 với tiêu đề "Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục", trích dẫn nhiều bình luận của người dùng mạng, trong đó có người nói rằng “cách mạng màu luôn len lỏi trong đất nước, nhất là trong giáo dục.”
Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), được thành lập năm 2016, đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho một khóa sinh viên đại học vào tháng 6 vừa qua và chúc mừng những cử nhân này vì đã “dũng cảm đối mặt với những nỗi sợ để khai phóng bản thân trong chặng đường sắp tới.”
Một trong những bức hình của buổi lễ tốt nghiệp mà Fulbright đăng tải trên trang Facebook cho thấy các sinh viên đứng sau biểu ngữ có dòng chữ “Fearless” (không sợ hãi).
Sau khi bức hình lan tỏa trên mạng xã hội thì “các dư luận viên ồ ạt chỉ trích, tấn công và cho rằng Trường Đại học đang có xu hướng ‘phản động’, không phù hợp với quan điểm của Việt Nam, theo Việt Tân, một tổ chức ủng hộ dân chủ ở Mỹ bị Việt Nam coi là khủng bố.
Phóng sự của QPVN còn nhắc đến sự việc khi bà Đàm Bích Thủy là hiệu trưởng FUV. Theo video này, bà Thủy đã nói với sinh viên rằng sau khi cho họ xem một tập bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam”, của đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick, thì nhiều người đã khóc nức nở và xúc động về câu chuyện mà họ đã xem.
“Chúng em chưa bao giờ biết người Mỹ phải chịu đựng nhiều như vậy. Trước đây chúng em chỉ nghĩ người Việt Nam chịu thiệt thòi,” video của QPVN trích dẫn lời bà Thủy kể lại những gì các sinh viên nói.
Người dẫn phóng sự của QPVN đưa ra câu hỏi “khi phát ngôn điều này, liệu bà Thủy có biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu người Việt Nam đã thiệt mạng, bao nhiêu người đang chịu đựng hậu quả chiến tranh để lại như bom mìn, chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra.”
Phóng sự của cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng “một trong những chiêu bài rất thâm độc mà các thế lực thù địch phản động đã và đang áp dụng để chống phá Việt Nam đó là tạo ra cách mạng màu.” Phong trào đòi xét lại lịch sử, theo video của QPVN, “đã không còn là những nguy cơ tiềm ẩn mà đã hiển hiện ngay trước mắt.”
Nói trong phóng sự của cơ quan vốn là tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, một trung tá quân đội cho rằng “vấn đề ngụy sử và lật sử nhằm đánh tráo khái niệm giữa hy sinh của cán bộ và chiến sỹ quân giải phóng Việt Nam với các cựu binh của Mỹ khi tham chiến ở Việt Nam là nằm trong chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.”
Phóng sự cũng đưa ra những ý kiến trên mạng xã hội được cho là “bất bình” trước phát biểu của bà Thủy, người kết thúc vai trò chủ tịch sáng lập FUV khi lứa cử nhân đầu tiên của trường tốt nghiệp vào tháng 6/2023. Một người dùng mạng được QPVN trích dẫn kêu gọi “nhà nước nên quản lý chặt chẽ nội dung dạy của các trường này và đừng để họ tẩy não lớp trẻ Việt Nam.”
Không rõ vì sao những thông tin nhắm vào trường Đại học Fulbright được đưa ra trong thời gian này nhưng nó xuất hiện trong bối cảnh một phong trào do các sinh viên dẫn đầu ở Bangladesh đã khiến chế độc độc tài bị lật đổ và đưa lên vị thủ tướng mới vốn là một học giả của chương trình Fulbright và từng giành giải Nobel Hòa bình.
Phản bác lại những thông tin gần đây nhắm vào trường và cộng đồng Fulbright, thông cáo của FUV cho biết “các tuyên bố này là những ‘thông tin sai lệch với mục đích thao túng’ nhằm lan truyền các thông tin sai sự thật về Đại học Fulbright Việt Nam.”
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc cố tình lan truyền thông tin sai lệch này và những tổn thương do hành động này gây ra cho các cá nhân hữu quan,” thông cáo viết. “Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả của thiện chí hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục từ các lãnh đạo cao nhất của hai nước.”
Đại học Fulbright được xem là “dấu mốc trong quan hệ Việt-Mỹ” với lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại học này được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó chứng kiến trong chuyến thăm của ông tới Mỹ năm 2015, khi ông trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được đón tiếp trong Nhà Trắng.
Năm 2022, Giám đốc điều hành Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (FDC) Scott Nathan nói, khi ký kết thỏa thuận tài trợ 37 triệu USD để xây dựng cơ sở mới của Đại học Fulbright ở TPHCM trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ, rằng “FUV từ lâu đã nhận được sự ủng hội mạnh mẽ từ lưỡng đảng Hoa Kỳ khi phát triển chương trình giảng dạy tiên tiến” tại Việt Nam.
Hôm 19/8, Đại học Fulbright được hãng công nghệ Mỹ Google công bố khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu USD để thúc đẩy các chương trình giáo dục trí thông minh nhân tạo (AI) tiên tiến, theo Nhân Dân. Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học danh dự của Google DeepMind và thành viên Hội đồng tín thác của FUV, được tờ báo Đảng trích lời nói rằng tin thần giáo dục khai phóng nhấn mạnh vào tư duy phản biện sẽ tạo ra chương trình giáo dục chuyển đổi, mang lại lợi ích cho sinh viên và tạo ra các mô hình mới mà các trường đại học khác có thể học hỏi.
Ông Huỳnh Thế Du, một giảng viên thỉnh giảng của FUV, đưa ra một bài viết trên trang Facebook cá nhân hôm 28/8 mà ông nói là để phản bác “những cái nhìn không tích cực và thiếu thiện cảm về hoạt động của Fulbright.”
“Muốn biết Fulbright làm gì và như thế nào cần nhìn vào những con người và việc làm cụ thể hơn là một vài sự kiện vấn đề có tính nhất thời hoặc là những mảnh thông tin bị cắt cúp,” ông Du nói và cho rằng những người làm việc và giảng dạy ở FUV “đều là trí tuệ và tâm huyết muốn phát triển đất nước” Việt Nam.
Bà Hằng hôm 26/8 nói rằng “Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.”
“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”